Owl Image
Owl Image
Owl Image

Giới thiệu chung

Hội Hóa học Việt Nam là một tổ chức tự nguyện của những người Việt Nam làm công tác khoa học công nghệ hóa học và sản xuất hóa chất trong và ngoài nước, được thành lập vào năm 1988, với mục đích phát triển nền Hóa học nước nhà.

ĐIỀU LỆ HỘI HÓA HỌC VIỆT NAM


CHƯƠNG I: TÊN- TÔN CHỈ- MỤC ĐÍCH


Điều 1:
    Tên: Hội khoa học và Công nghệ Hóa học Việt Nam gọi tắt là Hội Hóa học Việt Nam.

Điều 2:
    Hội Hóa học Việt Nam là một tổ chức tự nguyện của những người Việt Nam làm công tác khoa học công nghệ hóa học và sản xuất hóa chất trong và ngoài nước.

Điều 3:
    Mục đích của Hội Hóa học Việt Nam là tập hợp và đoàn kết những người Việt Nam làm công tác khoa học- công nghệ hóa học và sản xuất hóa chất trong và ngoài nước nhằm giúp đỡ nhau phát huy tài năng và trí tuệ, tiến hành các hoạt động khoa học- công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hóa học trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Điều 4:
    Hội Hóa học Việt Nam là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Hội hoạt động theo điều lệ của Hội, điều lệ của Liên hiệp Hội và tuân thủ luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
    Hội Hóa học Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của mình. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tại Ngân hàng.

    Trụ sở của Trung ương Hội đóng tại Hà Nội. Khi cần thiết và được phép của Nhà nước, có thể đặt văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố lớn (có sự đồng ý của chính quyền địa phương sở tại).
    
    
CHƯƠNG II:     NHIỆM VỤ

Điều 5:  
    Hội Hóa học Việt Nam có các nhiệm vụ sau:
    1. Tập hợp những người hoạt động trong ngành hóa chất hoặc có liên quan, có nhiệt tình với Hội nhằm đoàn kết, giúp đỡ nhau trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo và phục vụ sản xuất.
    2. Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật hóa chất cho hội viên và cho nhân dân.
    3. Bồi dưỡng nâng cao trình độ của hội viên, giúp đỡ khuyến khích các tài năng khoa học kỹ thuật, góp phần phát hiện bồi dưỡng nhân tài và xây dựng phát triển lực lượng khoa học công nghệ của ngành.
    4. Liên hệ và cộng tác chặt chẽ với các tổ chức hữu quan để tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho nhà nước về việc xây dựng thực hiện các phương hướng, chương trình, kế hoạch phát triển khoa học công nghệ, kinh tế xã hội của ngành hóa chất Việt Nam. Góp ý với các cơ quan quản lý nhà nước khi đề ra các chính sách chủ trương có liên quan đến ngành chuyên môn khoa học kỹ thuật của Hội.
    5. Cộng tác chặt chẽ với các tổ chức hữu quan, hỗ trợ đưa nhanh các tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ sản xuất đời sống.
    6. Tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật dưới mọi hình thức trên các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, hoạt động sản xuất kinh doanh theo luật pháp hiện hành nhằm huy động tiềm năng của hội viên góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, đem lại lợi ích cho hội viên và tạo nguồn kinh phí hoạt động cho Hội.
    7. Tham gia ý kiến với tổ chức chính quyền về phong các danh hiệu khoa học, cấp bằng sáng chế phát minh, đề xuất và góp ý kiến về các giải thưởng, các danh hiệu tặng thưởng cho các hội viên có thành tích trong ngành hóa học khi được yêu cầu.
    8. Xây dựng tốt mối quan hệ nội bộ, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất và điều kiện làm việc của hội viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên.
    9. Xây dựng tốt mối quan hệ với các tổ chức quốc tế và nước ngoài theo quy định của Nhà nước nhằm trao đổi kinh nghiệm trong các hoạt động của Hội.
    
    
CHƯƠNG III:     HỘI VIÊN

Điều 6:
    Công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đang hoạt động trong ngành khoa học và công nghệ hóa học tán thành điềulệ Hội, tự nguyện tham gia công tác hội, đóng hội phí đều được xét kết nạp làm hội viên.
    Hội viên có thể là hội viên tập thể hoặc cá nhân.
    Hội viên cá nhân có thể là: Hội viên danh dự
    Hội viên chính thức
    Hội viên tán trợ
    Nguyên tắc và thủ tục kết nạp hội viên do Ban chấp hành Trung ương Hội quy định.

Điều 7:
    Hội viên có các nghĩa vụ sau:
    1. Tôn trọng điều lệ Hội, thi hành nghiêm chỉnh các chủ trương, nghị quyết của Hội và sinh hoạt tại một cơ sở của Hội.
    2. Tuyên truyền mở rộng ảnh hưởng, uy tín của Hội, vận động quần chúng hưởng ứng các hoạt động của Hội.
    3. Củng cố khối đoàn kết nội bộ, giữ gìn đạo đức hội viên, hỗ trợ nhau trong mọi hoạt động của Hội.
    4. Hoạt động cho Hội, tham gia các công tác của Hội giao.
    5. Vận động tuyên truyền phát triển hội viên mới.
    6. Đóng góp hội phí đầy đủ, tích cực tham gia hoạt động xây dựng quỹ Hội.
    
Điều 8:
    Hội viên có các quyền sau:
    1. Thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội, bầu và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
    2. Được tham gia  mọi hoạt động của Hội.
    3. Được Hội giúp đỡ nâng cao trình độ, tạo điều kiện để thực hiện những công trình nghiên cứu hay sáng kiến cải tiến, công bố công trình trong và ngoài nước.
    4. Được Hội kiến nghị với Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên.
    5. Được Hội giúp đỡ quan hệ với các tổ chức cùng ngành nghề ở nước ngoài để trao đổi thông tin khoa học hoặc tham dự hội nghị khoa học quốc tế.
    6. Được quyền xin ra Hội.
    7. Được quyền tham gia các Hội khác.
    
CHƯƠNG IV:    TỔ CHỨC CỦA HỘI

Điều 9:
    Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, tập thể, dân chủ, tự quản và tự túc.
    Tổ chức của Hội gồm có:
    - Hội ở trung ương
    - Các hội địa phương, tỉnh, thành phố.
    - Các phân hội chuyên ngành.
    - Các chi hội được tổ chức tại các tổ chức kinh tế hoặc sự nghiệp hoạt đông về hóa học và công nghệ hóa.
    - Cơ quan ngôn luận: tạp chí và tờ tin.
    Việc thành lập các tổ chức trên tuân theo đúng pháp luật Nhà nước.
    
Điều 10:
    Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu toàn quốc.

Hội thường lệ 5 năm họp một lần. Ban Chấp hành Trung ương có thế triệu tập đại hội bất thường khi có yêu cầu của trên 3/4 tổng số của uỷ viên Ban Chấp hành.
    
Điều 11:
    Đại hội đại biểu  toàn quốc của Hội có nhiệm vụ:
    1. Thông qua báo cáo về nhiệm kỳ hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương.
    2. Quyết định mục tiêu phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ sau.
    3. Bầu ban Chấp hành Trung ương Hội
    4. Sửa đổi điều lệ Hội
    
Điều12:
    Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm các thành viên được Đại hội đại biểu toàn quốc bầu ra. Ban Chấp hành Trung ương là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kỳ đại hội, số lượng và cơ cấu Ban Chấp hành do đại hội quy định. Giữa hai kỳ đại hội, khi cần thiết, Ban Chấp hành có quyền quyết định bãi miễn hay bầu bổ sung một số uỷ viên chấp hành do đại hội bầu cử.
    
Điều 13:
    Ban Chấp hành Trung ương Hội thường kỳ họp mỗi năm một lần và có thể họp bất thường khi có yêu cầu của Ban Thường vụ hoặc của trên 1/3 tổng số uỷ viên chấp hành.

Điều 14:
    Ban Chấp hành Trung ương bầu ra Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra của Hội, Ban Thường vụ là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ gồm có Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và một số uỷ viên. Số lượng và cơ cấu Ban Thường vụ do Ban Chấp hành Trung ương quyết định
    Ban Thường vụ thường lệ họp 3 tháng 1 lần. Chủ tịch có quyền triệu tập hội nghị bất thường của Ban Thường vụ. Chủ tịch có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công việc của Hội giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Hội.
    Ban Kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của đại hội, của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và kiểm tra việc thực hiện điều lệ, quy chế và các chương trình hoạt động của Hội.
    
Điều 15:
    Ban Thường vụ có Ban Thư ký giúp việc. Tuỳ theo yêu cầu, Ban Thường vụ có thể thành lập các ban chuyên môn, các tổ chức nghiệp vụ chuyên trách từng mặt của Hội.
    
Điều 16:
    Ban Thư ký do Tổng Thư ký đề cử và được chủ tịch Hội bổ nhiệm. Ban Thư ký giúp việc cho Tổng Thư ký và do Tổng Thư ký trực tiếp điều hành.
    Tổng Thư ký Hội có nhiệm vụ điều hành toàn bộ công việc hàng ngày của Hội để thừa hành công việc, có biên chế chuyên trách và kiêm nhiệm do Hội trả lương và bảo đảm quyền lợi lao động.
    
Điều 17:
    Điều kiện để thành lập các tỉnh hội, thành hội, phân hội chuyên ngành và chi hội phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Hội Hóa học Việt Nam.

Điều 18:
    Cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh hội, thành hội, phân hội chuyên ngành và chi hội là Đại hội đại biểu của địa phương, chuyên ngành và cơ sở. Thường lệ đại hội 3 năm họp một lần. Đại hội đại biểu bầu ra Ban Chấp hành. Ban Chấp hành thường lệ họp một năm hai lần. Ban Chấp hành bầu ra Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký. Ban Thường vụ thường lệ 3 tháng họp một lần. Các tỉnh, thành hội, phân hội, chi hội hoạt động trong khuôn khổ của Hội, chịu sự chỉ đạo của Hội, tuân thủ điều lệ của Hội và pháp luật của Nhà nước.
    Quy chế tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động của các cơ sở do Ban Chấp hành Trung ương Hội quy định riêng.
    
CHƯƠNG V:    KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 19:
    Những tỉnh hội, thành hội, phân hội, chi hội và hội viên có nhiều thành tích trong công tác Hội sẽ được khen thưởng  bằng các hình thức tinh thần và vật chất. Nếu có thành tích xuất sắc có thể đề nghị Nhà nước khen thưởng.
    
Điều 20:
    Những tỉnh, thành hội, phân hội, chi hội và hội viên vi phạm điều lệ Hội, làm trái với nghị quyết của Hội hoặc làm tổn thương đến danh dự của Hội sẽ bị Hội thi hành án kỷ luật theo quy định của Hội.
    
CHƯƠNG VI:    TÀI CHÍNH

Điều 21:
    1. Nguồn thu nhập của Hội gồm có:
    - Hội phí của các hội viên (do Ban Chấp hành Trung ương quy định).
    - Tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
    - Thu nhập do hoạt động kinh tế gây quỹ bằng các hoạt động dịch vụ khoa học kỹ thuật của Hội theo đúng quy định của Nhà nươc.
    2. Các khoản chi của Hội
    - Chi cho các hoạt động của Hội
    - Chi trả lương cho biên chế riêng của Hội
    
Điều 22:
    Hội có tài khoản tại kho bạc, Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng Ngoại thương. Tài chính của Hội được quản lý theo các quy định tài chính của Nhà nước.

Điều 23:
    Khi Hội giải tán, toàn bộ tài sản của Hội được xử lý theo đúng các quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG VII:    HIỆU LỰC VÀ SỬA ĐỔI ĐIỀULỆ

Điều 24:
    Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi điều lệ này và có hiệu lực kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
    
Điều 25:
    Bản điều lệ này gồm 7 chương, 25 điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Hóa học Việt Nam thông qua ngày 15 tháng 3 năm 1995.

Bài viết khác

Số lượt truy cập

7023655 Hôm nay:97